A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Điền kết nghĩa với buôn Eana (Đắk Lak): 10 NĂM NGHĨA NẶNG TÌNH ĐẦY

Bình Điền kết nghĩa với buôn Eana (Đắk Lak): 10 NĂM NGHĨA NẶNG TÌNH ĐẦY   

Công ty CP phân bón Bình Điền và buôn Eana (xã Eana, huyện Krông Aana, Đắk Lắc) vừa tổ chức kỷ niệm 10 năm kết nghĩa giữa 2 đơn vị và ký giao ước thực hiện mục tiêu phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội buôn Eana, giai đoạn 2014 - 2017. Đông đảo đại biểu từ tỉnh Đắk Lắk, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ NN & PTNT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam... đã tới chung vui với Cty và bà con nông dân buôn Eana.

Đưa một chủ trương lớn của Đảng vào cuộc sống.

Nhằm tăng cường tình đoàn kết, động viên, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, cùng làm giàu và xây dựng nông thôn mới trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam; theo Nghị quyết Hội nghị TW lần thứ 7/ khóa IX, năm 2004, Tỉnh ủy Đắk Lắk chủ trương tổ chức hoạt động kết nghĩa giữa cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn với các buôn làng xa xôi của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Sự, Phó trưởng ban thường trực, Ban Dân vận tỉnh ủy Đắk Lắk nhớ lại: "Triển khai chủ trương này, Cty phân bón Bình Điền là đơn vị đầu tiên đăng ký thực hiện hoạt động kết nghĩa với buôn Eana. Tiếp sau đó, đến nay, đã có gần 500 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức kết nghĩa với các buôn làng xa xôi trong tỉnh. Nhiều mối quan hệ vẫn duy trì được, nhưng do không có tiềm lực kinh tế nên không mấy nơi tạo ra được dấu ấn cụ thể. Cũng có không ít những cuộc kết nghĩa không thực chất, "trống giong, cờ mở" lúc đầu, "xuân thu nhị kỳ" mỗi năm gặp gỡ nhau vài lần, tặng nhau chút quà rồi vui văn nghệ với nhau, hết. Chỉ có Bình Điền là làm được một mô hình kết nghĩa rõ nét và hiệu quả..."

Những việc làm, những kết quả.

Ông Y Piek Enuol, trưởng ban tự quản, cho biết; "Buôn Eana có 300 hộ, 1.500 nhân khẩu, trong đó gần một nửa là người dân tộc thiểu số. Bà con ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề làm vườn, trồng cà phê, tiêu, bắp, chỉ có 4,5 ha trên tổng cộng 400 ha là trồng lúa. 10 năm trước hộ ngèo chiếm gần 50%, chỉ có 3% hộ khá giả, đời sống văn hóa tinh thần rất hạn chế, thiếu thốn, buôn thuộc diện buôn vùng 3".
Làm gì giúp người dân buôn Eana trước hết thoát nghèo, từng bước vươn lên khá giả? Làm thế nào giúp người dân Eana xây dựng được một đời sống văn hóa - tinh thần phong phú, lành mạnh giữa đại ngàn Tây Nguyên xa xôi này?- Đó là trăn trở của TGĐ Lê Quốc Phong cũng như của tập thể cán bộ, công nhân Công ty CP phân bón Bình Điền. "Đặt vấn đề kết nghĩa không chỉ thỉnh thoảng mang tới cho bà con chút quà cứu đói, tặng các em học sinh vài mươi cuốn tập...mà phải làm sao để bà con có được cái đà, cái bám, từ đó mà tự mình vươn lên"- Ông Phong nói.

Nói là làm, tổ thực hiện chương trình kết nghĩa của Cty được thành lập. Một kế hoạch tổ chức các hoạt động được vạch ra vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa rất cụ thể, rõ ràng cho từng tháng, từng năm, trong đó 2 khâu: khuyến học và chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho bà con được Bình Điền đột vào đầu tiên. Cty giúp địa phương chọn ngay 3 em tốt nghiệp phổ thông trung học, gửi về học tại Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, kinh phí Cty lo, đến khi ra trường Cty ký hợp đồng phục vụ cho các em với mức lương 2 triệu đồng/em/tháng. Đây là những hạt nhân đầu tiên góp phần mở mang kiến thức kỹ thuật nông lâm nghiệp cho bà con trong buôn. Cty tiếp tục đầu tư giúp đỡ các em học sinh nói chung, các em con nhà nghèo học giỏi nói riêng có điều kiện được tới trường và tiếp tục học lên cao; Giúp buôn xây dựng 1 phòng máy vi tính với 21 máy tính, 1 máy chủ, đường truyền Internet, 1 máy tính xách tay, 1 tivi, 1 máy chiếu...trị giá gần 200 triệu đồng. Đây có lẽ đang còn là mơ ước của nhiều huyện nghèo.

Xác định khoa học - kỹ thuật là nền tảng cho phát triển sản xuất kinh tế, Cty ký hợp đồng với Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây nguyên, đồng thời tổ chức các nhà khoa học trong Hội đồng cố vấn khoa học - kỹ thuật của Cty, mỗi tháng 1 lần đến tận ruộng, tận vườn tư vấn cho nông dân cách thức chọn giống, trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, sử dụng hiệu quả phân bón, thuốc BVTV. Các cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật do Cty tổ chức đã thu hút gần 2.000 lượt nông dân trong buôn tham dự.

Giúp buôn nâng cấp đường giao thông, xây dựng trường học, thư viện, sân bãi luyện tập TDTT...được tiến hành đồng thời, trong đó, Cty đột vào đầu tư hệ thống điện phục vụ tưới tiêu và thắp sáng sinh hoạt cho bà con. Đến nay đã có 1.420 m đường dây điện được kéo tới tận rẫy. Nếu trước đây người dân tưới cây bằng máy nổ, đổ dầu, vừa không chủ động được nguồn nguyên liệu, hỏng hóc máy móc, lại tốn kém, thì nay tưới tiêu bằng máy điện, vừa chủ động, tiện lợi, lại lại giảm chi phí sản xuất (từ 7 triệu đồng/ha, xuống chỉ còn 2 triệu đồng). Riêng khoản tưới tiêu đã làm lợi cho buôn mỗi năm gần 1 tỷ đồng. Điện còn mang tới từng nhà dân nguồn sáng văn minh thời đại.

Hỗ trợ nông dân phân bón trả chậm, không tính lãi, mà tới cả năm vì phần lớn diện tích trong buôn trồng cây công nghiệp. Khoản lãi suất này Cty đã hỗ trợ bà con lên tới hơn 500 triệu đồng.

Ông Y Đã Eban, nhà có 1,5 ha cà phê, được hỗ trợ phân bón trả chậm thì mừng lắm, ông nói: "Trước đây phải mua phân tại đại lý, do không đủ tiền nên không mua được đủ lượng cần bón, cũng không mua được phân bón của hãng mình thích. Nếu thiếu nợ thì lãi suất rất cao, xót lắm. Vậy là bón ít, cây cà không tốt được, trái đậu không nhiều, cây lại yếu, dễ mắc bệnh. Nay có phân Đầu Trâu, tui "xài" theo chỉ dẫn của các nhà khoa học, cây cà khỏe, ít sâu bệnh, cho năng suất cao mà tiền mua phân cũng không nhiều nên mỗi năm tui thu lời được cả trăm triệu đồng. Tui trồng thêm mấy thứ cây ngắn ngày quanh nhà, rồi nuôi con heo, con gà, cuộc sống như vậy là khỏe. Cả 4 đứa con của tui đều được học hành tử tế: hai đứa lớn học đại học và cao đẳng, đứa đang học lớp 12, con út lớp 5."

Con số trên 7 tỷ đồng đầu tư của Bình Điền vào buôn Eana trong 10 năm qua không lớn, nhưng nếu so với kinh phí hoạt động của một buôn giữa đại ngàn Tây nguyên xa xôi này thì không hề nhỏ. Nó lại được tính toán rất chặt chẽ, sử dụng rất hiệu quả, nên cái hậu nó làm ra cũng là rất lớn.

Bà H Ngăm K Đăm, Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên, nói: "Đây là hoạt động hết sức thiết thực. Nó không chỉ giúp buôn Eana từ buôn vùng 3 trở thành buôn văn hóa, mà còn có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng địa bàn Tây Nguyên vững mạnh".

Mong có nhiều doanh nghiệp làm được như Bình Điền.

Đó là tâm sự của PGS.TS Phạm Văn Dư, phó cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN& PTNT. Ông Dư nói: “Không phải không có những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế như Bình Điền, nhưng để làm được những việc mà Bình Điền đã làm tại đây thi cần phải có cái tâm trong sáng, có trách nhiệm  và nhiệt tình rất cao mới tránh được hình thức, mới không mệt mỏi “đánh trống bỏ dùi”. Tôi tâm đắc cách Bình Điền lo ánh sáng điện về cho người dân, vừa sản xuất hiệu quả lại nâng lên được chất lượng cuộc sống; cũng như từng bước phổ cập tin học cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ để người dân dần mở được cánh cửa ra với thế giới văn minh”.

Đồng suy nghĩ này, ông Nguyễn Văn Sự, phó ban thường trực, Ban Dân vận, Tỉnh ủy Đăk Lắk, nói: “Từ mô hình rất thành công của Bình Điền, chúng tôi đang triển khai nhân rộng, cụ thể là các cơ quan, ban ngành của tỉnh phải phối hợp với cơ quan cấp huyện, kéo theo được doanh nghiệp tình nguyện tham gia để hoạt động kết nghĩa những năm tới đạt hiệu quả toàn diện.”

                                                                                                Trần Đình Thế.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo Bộ Công Thương tặng bằng khen cho Cty CP phân bón Bình Điền

Lễ cắt băng khánh thành tặng phòng máy vi tính cho học sinh buôn Eana và xã Eana

Tặng bằng khen cho 30 hộ sản xuất kinh doanh giỏi

Tặng bằng khen cho 62 em học sinh trong buôn Eana đạt thành tích xuất sắc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Fanpage